1. Kiến thức
1.1. Hiểu biết về vai trò, chức năng và cấu trúc hệ thống phúc lợi xã hội; nắm được một cách hệ thống các dịch vụ xã hội được cung cấp ở mức tác nghiệp của hệ thống phúc lợi xã hội.
1.2. Hiểu biết về lịch sử phát triển của ngành công tác xã hội trên thế giới và ở Việt Nam với tư cách vừa là một ngành khoa học và vừa là một nghề chuyên môn trong một xã hội phát triển.
1.3. Nhận thức được sự phát triển của con người ở các mặt thể chất, nhận thức và tâm lý xã hội qua các giai đoạn phát triển khác nhau; lý giải được mối liên hệ mật thiết giữa hành vi con người và môi trường xã hội.
1.4. Am hiểu và vận dụng các lý thuyết công tác xã hội căn bản cũng như các phương pháp thực hành công tác xã hội tổng quát vào quá trình hỗ trợ các hệ thống thân chủ khác nhau như cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng.
1.5. Nắm vững các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như các yêu cầu về tư cách đạo đức nghề nghiệp công tác xã hội; và biết cách thể hiện chúng quá trình thực hành công tác xã hội.
1.6. Có kiến thức về phương pháp luận nghiên cứu khoa học cũng như các phương pháp nghiên cứu công tác xã hội cụ thể bao gồm cả những phương pháp nghiên cứu định lượng lẫn định tính ở mức căn bản.
1.7. Am hiểu các vấn đề xã hội trong bối cảnh phát triển của Việt Nam và thế giới; có kiến thức về chính sách xã hội và phân tích được sự tác động của nó thông qua hệ thống các dịch vụ xã hội nhằm giúp giải quyết các vấn đề xã hội.
2. Kỹ năng
2.1. Kỹ năng nghề nghiệp
2.1.1. Có khả năng mô tả và giải thích lịch sử phát triển ngành công tác xã hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam cùng những cấu trúc và các chủ đề hiện thời. Có khả năng áp dụng những kiến thức và kỹ năng thực hành công tác xã hội tổng quát đối với cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng có nhu cầu.
2.1.2. Có khả năng làm việc và hỗ trợ các đối tượng yếu thế như trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật, … bằng phương pháp công tác xã hội. Có khả năng áp dụng các quy điều và nguyên tắc đạo đức của nghề công tác xã hội một cách phù hợp trong các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội.
2.1.3. Có khả năng áp dụng các kỹ năng tư duy khoa học và tư duy phản biện trong bối cảnh thực hành và nghiên cứu công tác xã hội chuyên nghiệp. Có khả năng đánh giá các kết quả nghiên cứu và xem xét áp dụng chúng một cách phù hợp vào quá trình can thiệp hoặc hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu.
2.1.4. Có khả năng tham gia xây dựng và quản lý các dự án liên quan đến phát triển xã hội, bình đẳng giới, phát triển cộng đồng cũng như xóa đói giảm nghèo.
2.1.5. Có khả năng tham gia thực hiện các nghiên cứu về an sinh xã hội, chính sách xã hội và thực hành công tác xã hội trong đó bao gồm cả phát triển cộng đồng.
2.1.6. Có khả năng thích nghi và hòa nhập với những môi trường nghề nghiệp công tác xã hội, phát triển cộng đồng có tính đa dạng về văn hóa và chủng tộc. Có khả năng kết nối với các tổ chức trong mạng lưới hoạt động chuyên môn nhằm nối kết và chia sẻ tài nguyên phục vụ cho các hoạt động nghề nghiệp.
2.2. Kỹ năng mềm
2.2.1. Có trình độ tin học tương đương trình độ B; sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng như Word, Excel, PowerPoint và phần mềm xử lý số liệu thống kê SPSS; sử dụng thành thạo các công cụ truy tìm dữ liệu và giao tiếp qua mạng máy tính như Google, Email,…
2.2.2. Có trình độ tiếng Anh tương đương bậc 3/6 trở lên; có kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp xã hội thông thường và trong giao tiếp nghề nghiệp ở mức căn bản.
2.2.3. Có kỹ năng giao tiếp xã hội và chuyên môn trong môi trường làm việc với nhiều hình thức khác nhau như lắng nghe và trao đổi trực tiếp, soạn thảo các văn bản chuyên môn, hội họp, thuyết trình, thảo luận nhóm và thương lượng. Có kỹ năng tổ chức, lãnh đạo và làm việc trong nhóm chuyên môn cũng như trong nhóm đa ngành.
3. Phẩm chất đạo đức
3.1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức và ý thức phục vụ nhân dân; có ý thức và trách nhiệm công dân; sống và làm việc theo pháp luật.
3.2. Có ý thức, đạo đức, trách nhiệm và thái độ đúng đắn đối với nghề nghiệp; có tính trung thực, kỷ luật, cầu tiến, năng động và sáng tạo trong công việc.
3.3. Có tinh thần dấn thân của một nhân viên công tác xã hội vì sự phát triển của con người và công bằng xã hội trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
4. Mức tự chủ và trách nhiệm
4.1. Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đổi với nhóm.
4.2. Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định.
4.3. Tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân.
4.4. Lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.
5. Các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
- Làm nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá - xã hội, hôn nhân và gia đình, môi trường, dân số, truyền thông trong các cơ quan của Nhà nước và của các tổ chức quốc tế.
- Làm công chức văn hóa tại các xã, phường, thị trấn. Công chức trong lĩnh vực LĐTB&XH tại Sở, Phòng LĐTB&XH.
- Làm nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế.
- Làm nhân viên CTXH trong lĩnh vực giáo dục.
- Cung cấp các dịch vụ xã hội và tham vấn tâm lý độc lập.
- Giảng dạy và nghiên cứu Công tác xã hội. Nghiên cứu và phân tích chính sách xã hội.
- Tham gia thực hiện, điều phối các dự án xã hội và phát triển. Đánh giá tác động các dự án xã hội và phát triển.
- Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường: Học thạc sĩ, tiến sỹ chuyên ngành CTXH, xã hội học, …